Hướng dẫn tự làm hồ thủy sinhTài liệu không thể bỏ qua cho người mới Cuộc thi thủy sinh thế giớiKhám phá thế giới thủy sinh Tạp chí thủy sinhNhững bài viết của Vinh Aqua
[tintuc]

Không thể bỏ qua
Bí quyết chinh phục cây trân châu thủy sinh
Trong quá trình tư vấn khách hàng, Vinh Aqua có nhận được rất nhiều câu hỏi của người chơi thủy sinh, trong đó có một vấn đề mà nhiều người hỏi đó là 'Sao cây thủy sinh tôi trồng toàn chết?' hoặc là 'Sao cây thủy sinh tôi trồng lên không nổi, cứ èo uột?'. Tôi hỏi cặn kẽ người chơi đã dùng những linh kiện gì, chăm sóc thế nào, hầu như nguyên nhân đều giống nhau. Đút kết từ những gì người chơi đã trải qua, bài viết này xin chia sẻ với các bạn mới chơi đâu là nguyên nhân thực sự?

Phần lớn những bạn bị trường hợp trồng cây thủy sinh toàn chết hoặc lên không nổi là do chưa tìm hiểu đúng đặc điểm của các loại cây, và đầu tư linh kiện chưa đúng, và các bạn cũng không có kiến thức đầy đủ để có thể chăm sóc và duy trì một bể thủy sinh hoàn chỉnh. Các bạn này tôi không rõ đã mua linh kiện ở đâu, tìm hiểu tài liệu nào để tự làm hồ thủy sinh, họ gọi điện hoặc chat với tôi để nhờ tư vấn.

Trước tiên tôi nói về thảm cỏ. Những bạn mới chơi rất nhiều bạn thích thảm cỏ, thường là những thảm trân châu nhật hoặc trân châu ngọc trai, hoặc thảm cỏ ngưu mao chiên lùn xòe, cũng dễ hiểu thôi, vì thảm cỏ xanh mướt nhìn rất đẹp và mát mắt, rất khó cưỡng lại sức hấp dẫn của nó. Và đây là cách các bạn chơi.

Các bạn mới thường rất thích thảm cỏ xanh mướt như thế này
  * Dùng duy nhất phân thủy sinh SMekong, nguyên nhân chính ở đây là thiếu dinh dưỡng. Đây là phân Việt Nam, tôi không chê hàng Việt Nam, đây cũng là loại phân thủy sinh thường được người mới chơi tìm mua, nhưng như đã nói, đây là phân thủy sinh thích hợp cho người mới tập chơi, vì giá nó có thể nói là bình dân, chỉ chơi những cây đơn giản dễ tính như các loại cây cắt cắm màu xanh dễ tính, hoặc chơi rêu, dương xỉ, ráy.

  * Trân Châu là loại cây đòi hỏi dinh dưỡng mạnh, các bạn dùng SMekong thì trân châu không chết, nhưng nó sẽ bò cực chậm thậm chí không bò là chuyện bình thường. Thường thì người ta dùng Smekong, nhưng ở phía dưới có trộn thêm một lớp phân trộn của Việt Nam, hoặc phân lót của JBL, hoặc 1 loại phân lót của một hãng thủy sinh nào đó để bổ sung thêm dinh dưỡng.

     * Để trồng tốt trân châu các bạn có thể dùng các loại phân nền như ADA, JBL, Oliver Knott, Gex xanh, nếu có dùng thêm phân lót ở dưới càng tốt, để tuổi thọ hồ cao hơn.

     * Có bạn dùng SMekong, cũng lót phân trộn đấy, nhưng trân châu vẫn lên không nổi, khi tôi hỏi thì nguyên nhân là lót quá ít, các bạn nên tìm hiểu liều lượng phân lót trước khi dùng.
  • Dùng 1 máng đèn hoặc tự chế đèn, nguyên nhân chính ở đây là thiếu sáng, ánh sáng không phù hợp. Có bạn dùng đèn chiếu sáng dân dụng. Cái này thật sự không đúng, ai nói chơi đèn dân dụng được thì cứ nêu dẫn chứng, không phải vô lý mà nhiều người chơi thủy sinh đầu tư những máng đèn vài trăm nghìn thậm chí vài triệu chỉ cho một bể thủy sinh (ví dụ 1 hồ 60 x 40 x 40 người ta đã dùng 2 máng hiệu Odyssea để chơi trân châu, gần cả triệu rồi, lưu ý Odyssea không phải là hiệu xịn nhất). Bạn không nên chơi đèn dân dụng mà nên dùng đèn chuyên dụng cho thủy sinh.
    • Có trường hợp chơi đèn led tự chế, ví dụ ra chợ Nhật Tảo ở TP HCM mua khá rẻ. Câu trả lời cũng như trên. 
    • Có trường hợp dùng một máng đèn Odyssea, cũng thấy trân châu lên chậm, chính bản thân tôi chơi và tôi đã quan sát nhiều người, thường thì nên dùng 2 máng cho một hồ cao 40 cm trở lên. Nếu chỉ dùng một máng, có thể cây vẫn có thể phát triển ngay phía dưới đèn, nhưng những vị trí khác của hồ, ánh sáng không đủ để lan tỏa, trân châu bò cực chậm hoặc không bò là tất yếu.
    • Có bạn chỉ dùng một máng đèn hiệu Jebo, máng này có đặc điểm là chỉ 1 bóng, cái này trân châu lên không nổi là chuyện đương nhiên, đèn quá yếu.
    • Đầu tư đèn rồi thì cũng cần chú ý thời gian chiếu sáng, chơi trân châu thì bật đèn ngày 4-6 tiếng có thể không ổn, bật 8 tiếng liên tục luôn chẳng hạn, tôi đã làm thế và thành công. Sau khi thảm đã bò đầy hồ thì có thể điều chỉnh lại theo ý muốn.
  • Không chơi CO2. Như tôi đã phân tích ở bài viết chuyên về CO2, CO2 rất cần thiết nếu bạn muốn chinh phục mọi loại cây thủy sinh, và muốn chúng phát triển hoàn hảo vẻ đẹp của mình, nhất là trân châu. Thường người mới không trang bị vì lo bình CO2 nguy hiểm, hoặc để tiết kiệm chi phí.
    • Bạn có thể tham khảo hàng trăm video về hồ thủy sinh của nước ngoài, và thấy những hồ của họ phần lớn đều có CO2.
    • Nếu bạn yêu thích thủy sinh và muốn chơi lâu dài, hãy đầu tư một bình CO2 khi có thể.
    • Có trường hợp sử dụng CO2, nhưng không sử dụng bộ đếm giọt, vậy làm thế nào mà bạn kiểm soát được lượng CO2 cho vào hồ, sau đó bạn này hỏi tôi vậy có ổn không?
Tiếp theo, nói về những hồ chơi rêu. Rêu là loại cây thủy sinh rất được người mới chơi yêu thích. Đây là loại thực vật thủy sinh ưa mát, bạn nên trang bị quạt làm mát nếu chơi rêu, nước càng mát càng tốt.

Những hồ thủy sinh chơi rêu vô cùng cuốn hút đối với người mới

Có một anh nhờ tôi làm một hồ nuôi cá dĩa đơn giản. Cá dĩa là loại cá ưa nước ấm, tôi không gắn quạt làm mát cho anh vì không cần thiết, sợ cá bị nấm. Sau đó anh ra một cửa hàng thủy sinh chơi thấy họ bán cục rêu đẹp quá, mua về bỏ vào hồ cá dĩa và thấy từ từ nó đen dần. Anh hỏi tôi thì tôi trả lời là nước mát mới được.

Có lần em tôi ở nhà mua 1 bụi rêu Mini Pelia về chơi, đây là loại rêu ưa nước cực mát. Tôi nói rằng rêu này có quạt làm mát chưa chắc nó sống, thường thì những người chơi tép dùng Chiller mới trồng nó phát triển tốt. (Chiller là máy làm mát cho hồ thủy sinh). Kết quả là nó chết thiệt.

Lưu ý là các loại rêu như Pelia, Java, Mini Taiwan, Weeping Sing...nếu bạn có quạt làm mát thì đã tốt và chơi được rồi. Ai có điều kiện trang bị Chiller thì càng tốt.

Đối với những loại cây màu đỏ, trồng không giữ được màu đỏ, hay những trường hợp cây cắt cắm lên èo uột, tôi hỏi người chơi thì cũng nằm trong số những nguyên nhân trên.

Chốt lại, một hồ thủy sinh đẹp là sự kết hợp của nhiều yếu tố sau:

  * Phân nền đủ dinh dưỡng
  * Đèn (phải là đèn chuyên dụng cho thủy sinh)
  * CO2
  * Lọc (có dòng chảy tốt)
  * Nếu nước mát thì tốt, nếu chơi rêu thì nước càng mát càng tốt, nên gắn thêm quạt làm mát
  * Sự chăm sóc và kiên nhẫn của người chơi

Những trường hợp chơi thủy sinh không thành công ở các bạn mới chơi như tôi nêu ở trên là không đáp ứng đủ các điều kiện trên, có bạn điều kiện nào cũng không đủ, tức là set hồ mà tìm hiểu không kỹ đặc tính từng loại cây, vừa thiếu đèn, phân nền cũng thiếu dinh dưỡng, không có CO2...

Có nhiều bạn mới chơi thực chất cũng đủ điều kiện để đầu tư một hồ thủy sinh chất lượng, nhưng các bạn đến gặp tôi hoặc gọi điện nói rằng giờ đầu tư vừa phải trước, làm cái hồ nhỏ trước, rồi linh kiện gì cũng tìm loại tương đối rẻ để mua, thậm chí tự chế, các bạn bảo rằng 'đầu tư vừa phải, chơi thử coi cây nó lên không, nếu lên thì đầu tư một hồ hoành tráng hơn, to hơn', kết quả thì tôi không nói chắc các bạn cũng đoán ra, cây không đủ ánh sáng, không đủ dinh dưỡng nên nó lên không nổi, èo uột thiếu sức sống. Thường những trường hợp này tôi tư vấn dứt khoát là cây lên không nổi, nhưng các bạn vẫn muốn thử thì chịu.

Nếu thiếu một trong những yếu tố trên thì hồ khó mà phát triển đẹp. Tôi thẳng thắn tư vấn vì đã từng chơi thành công trân châu, rêu và các loại cây khác, dù không phải cây nào tôi cũng có cơ hội để chơi. Có thể sẽ có bạn phản biện rằng họ chơi trân châu không cần CO2 cây vẫn bò và sống, chơi rêu không cần nước mát vẫn sống, và không cần dùng đèn chuyên dụng, dùng đèn tự chế rẻ tiền hơn cây vẫn lên, nhưng tôi tin chắc đó chỉ là số cực ít. Bạn nên tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu tin cậy khác, nếu có thể thì vào những trang thủy sinh nổi tiếng và đọc tiếng Anh cho chính xác.

Tiếp theo, tôi nói về một tình huống khác. Đó là thiếu kiến thức về cách chăm sóc cũng như những vấn đề gặp phải trong quá trình chăm sóc một hồ thủy sinh

Có những bạn hỏi tại sao cây của em trồng nó như sắp chết ấy. Khi tôi hỏi dùng những linh kiện gì, cách chăm sóc ra sao thì ra kết quả. Ở đây tôi nói riêng về cách các bạn chăm sóc.

Có trường hợp rêu hại bám đầy cây, chứ cây chưa chết hẳn. Bạn xem ảnh bên dưới do khách hàng cung cấp, hồ bị rêu hại rất nặng, khách nghĩ là cây đã chết, có nghĩa là không phân biệt được cây chết và cây bị rêu hại.

Hồ thủy sinh bị rêu hại rất nặng do không  biết cách chăm sóc
Hồ thủy sinh bị rêu hại rất nặng do không  biết cách chăm sóc (ảnh: khách hàng cung cấp)

Các bạn ngại làm những điều mà người chơi thủy sinh thường làm để vệ sinh hồ.

  * Khi thay nước chỉ hút nước ra và chăm nước mới vào, phần lớn rêu hại, cặn bẩn đều ở lại hồ. Trong khi ta nên vệ sinh, lau rêu hại bám lên kính, cắt tỉa lá già yếu trước khi thay, và trong khi thay thì chịu khó hút phân, cặn bẩn ở những ngóc ngách.

  * Có bạn là do hồ trồng cây quá thưa thớt, phân nhiều, quá dư thừa dinh dưỡng sinh rêu hại là tất yếu

  * Lười thay nước, cũng như vệ sinh bộ lọc

  * Thiếu kiến thức về rêu hại, cách phòng ngừa, cách điều trị. Khi bị rêu hại thì chỉ tìm mua cá diệt rêu hại và trông chờ hoàn toàn vào chúng, hoặc dùng thuốc diệt rêu, bạn nên biết:

      * Thuốc diệt rêu, cá hay tép ăn rêu chỉ giúp bạn một phần, cái quan trọng nhất vẫn là sự chăm sóc của bạn tác động vào hồ như thay nước, lau chùi, cắt tỉa cây.

      * Ví dụ khi thấy rêu tóc bám lên ráy, dương xỉ, thì dùng tay gỡ chúng ra luôn, không gỡ, và cứ tìm mua cá diệt rêu hay thuốc diệt rêu và chờ tác dụng.

      * Với những bạn không đầu tư đúng linh kiện, không chủ động chăm sóc vệ sinh hồ chỉ trông chờ vào các loại sinh vật ăn rêu, thuốc diệt rêu thì thua.

Một tình huống khác, nhờ dịch vụ nào đó làm hồ, và hỏi tôi sao hồ cây lên không nổi

Có nhiều khách ở tình huống này.

Có một anh khách trao đổi với tôi, nói những lý do tôi viết trong bài này không đúng ở một số trường hợp. Tôi hỏi anh không đúng chỗ nào, lần lượt những câu hỏi tôi đưa ra cho anh và tôi có kết luận: anh biết rất ít về thủy sinh.

Chuyện là anh nhờ một dịch vụ làm hồ thủy sinh đến làm trọn gói, sau vài tuần thì cây chết, theo hợp đồng thì bảo hành 3 tháng, họ có quay lại trồng cây mới, và hết 3 tháng thì họ không quay lại nữa, hết hợp đồng rồi. Cây lại chết, anh khách tự mua cây về trồng nhiều lần cũng lại chết, bạn xem ảnh hồ bên dưới anh chụp cho tôi xem hồ hiện tại. Tôi tóm tắt lại cuộc trao đổi giữa tôi và anh qua loạt câu hỏi sau:

  * Có biết người ta dùng phân gì cho anh không? Không biết
  * Đèn anh có đủ sáng không? Không biết.
  * Dùng đèn gì? Không biết.
  * Anh trồng cây gì? Mấy cây dài dài, cũng không biết rõ tên.
  * Hồ anh đến thời điểm này được bao lâu rồi? Hơn 1 năm
  * Bên làm hồ có hướng dẫn anh tự chăm sóc không? Không. Điều này chỉ nghe từ một phía, không biết có đúng vậy không.
   * ...
Sao cây thủy sinh tôi trồng toàn chết
Ảnh: khách hàng chia sẻ
Không tìm hiểu thì không thể duy trì bể thủy sinh
Cây phát triển thưa thớt, anh khách nghĩ nó sắp chết
Khi hỏi 10 câu về hồ của mình mà 9 câu không biết thì cây trong hồ không chết mới là lạ. Khi bạn nhờ một dịch vụ làm hồ thủy sinh, hãy chịu khó tìm hiểu những linh kiện được cung cấp và quan sát học hỏi khi lắp đặt, và bên thi công có chia sẻ cho bạn những kiến thức căn bản để bạn có thể tự chăm sóc và duy trì một hồ thủy sinh hay không, điều này cũng cần thông cảm và khách quan một chút, không thể tư vấn khách hàng hết mọi thông tin trong phạm vi vài lần gặp, bạn cần chủ động tìm hiểu thêm. Còn bạn không biết quá nhiều thứ nhưng vẫn quyết định mua hàng, lỗi là do bạn.

Tóm lại, chơi thủy sinh không khó, phần lớn người chơi thất bại là do thiếu kiến thức. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ trước khi chơi. Những người yêu thủy sinh khi đã có nhiều kiến thức, cái họ quan tâm là tạo ra những bố cục ấn tượng, còn các bạn mới chơi không chịu tìm hiểu, nôn nóng chơi thì cứ loay hoay với vấn đề 'Tại sao cây chết hoặc lên không nổi?'

Bài viết nhằm mục đích chia sẻ là chính, có điểm nào chưa chính xác các bạn cứ góp ý, cảm ơn bạn đã đọc. Vinh Aqua cũng không phải là một shop hoàn hảo, trong quá trình hoạt động cũng mắc nhiều sai sót, tôi nhận ra điều đó qua những lần bán hàng, không thể trao đổi hết những kiến thức cho khách hàng trong phạm vi những lần nói chuyện trực tiếp, nên tôi dành thời gian viết nhiều tài liệu cho những bạn chơi thủy sinh. Mong nhận được sự góp ý của các bạn để shop hoàn thiện hơn.

Cuối cùng, gửi các bạn bí quyết để trồng cây chết hoặc lên không nổi, và hồ đầy rêu hại, tôi học được từ các bạn trồng cây lên không nổi

Ví dụ trồng trân châu:

  * Dùng duy nhất phân Smekong
  * Dùng đèn led tự chế
  * Không dùng CO2
  * Trồng cây thưa thớt
  * Lọc tràn nằm trên hồ

Ví dụ trồng rêu:

  * Không dùng quạt dù trong bất cứ điều kiện thời tiết nào
  * Trồng cây thưa thớt
  * Không dùng CO2

Và:
  * Không thường xuyên cắt tỉa, vệ sinh hồ, hay nuôi các sinh vật ăn rêu hại

Có thể bạn quan tâm:
Hồ thủy sinh trân châu chơi tết 2016 của Vinh Aqua
[/tintuc]

XEM THÊM

1 comment :

  1. Bài viết chất lượng và hay.. đáng để ae đọc ^^

    ReplyDelete